1. Khái niệm
Đục là phương pháp gia công nguội bằng cách hớt đi một lớp vật liệu trên bề mặt cần gia công với dụng cụ là lưỡi đục và dụng cụ tạo lực là búa.
Đục là dụng cụ cắt gọt có dạng một hình lăng trụ dài khoảng 150 – 200mm, được làm bằng thép cacbon cao, phía lưỡi cắt được đập dẹp, mài sắc, tôi cứng. Hình dáng của lưỡi cắt phụ thuộc vào hình dáng của bề mặt gia công.( Hình 4-1)
Búa dùng để tạo lực khi đục là búa thép có trọng lượng khoảng 500g, làm bằng thép C45 có một đầu bằng để đập búa khi đục và một đầu có hình dáng đặc biệt dùng để tạo hình khi gò. Đầu búa được tra vào một cán búa bằng gỗ hoặc nhựa dài 250 – 300mm. ( Hình 4-2)
Đục được dùng để hớt bỏ một lượng dư không cưa được mà giũa thì lại quá nhiều hoặc dùng để gia công các bề mặt đặc biệt không thể dùng các phương pháp gia công khác được như đục tạo hình khuôn, đục rãnh dầu trong bạc trượt.
Hình 4-1 . Lưỡi đục. Hình 4-2 . Búa nguội.
2. Tư thế- thao tác
+ Tư thế (Hình 4-3)
- Tư thế chân
Hai chân đứng vững, dang rộng bằng vai, người đứng thoải mái trong tư thế nghỉ.
- Tư thế tay
Tay thuận cầm búa chắc gọn trong lòng bàn tay bằng năm ngón tay, vị trí cầm búa các đầu mút cán búa một khoảng 25 – 30mm.
Tay nghịch cầm chắc đục bằng năm ngón tay ( gọn trong lòng bàn tay nếu đục mạnh và bằng năm ngón tay khi đục nhẹ), vị trí cầm đục cách chuôi đập búa một khoảng 20 – 25mm.
Hình 4-3 . Tư thế cầm búa, cầm đục và vị trí đứng khi đục.
+ Thao tác
Khi đục, để hiệu suất của lực đập búa cao nhất và không đánh lệch đục gây tai nạn thì hướng vận tốc của búa khi chạm chuôi đục phải trùng với trục của đục. Tùy theo chế độ gia công người ta có ba thao tác đập búa khi đục như sau: (Hình 4-4)
- Đập búa bằng cổ tay
Trong cách thao tác này thì búa được nâng lên nhờ vào khớp cổ tay, chiều cao của đầu búa được nâng không cao quá vai, chiều sâu không quá ngực. Cách đập búa này được dùng khi đục một lớp rất mõng, đục tinh.
- Đập búa bằng khuỹu tay
Trong cách thao tác này thì búa được nâng lên nhờ vào khớp khuỹu tay ( giữ chắc khớp cổ tay), chiều cao đầu búa được nâng cao ngang tai không quá đầu, chiều sâu ngang thân người không vượt quá lưng. Cách đập búa này thường được dùng để đục nhất.
- Đập búa bằng cánh tay
Trong cách thao tác này thì búa được nâng lên nhờ vào khớp khuỹu tay và khớp vai ( giữ chắc khớp cổ tay), chiều cao đầu búa được nâng cao lên quá đầu, chiều sâu vượt quá lưng. Cách đập búa này ít thường được dùng, chỉ dùng để đục chặt đứt, đập búa khi gò lực lớn.
a) Đập búa bằng cổ tay. b) Đập búa bằng khuỹu tay. c) Đập búa bằng cánh tay.
Hình 4-4 . Các thao tác đập búa khi đục.
3. Kỹ thuật đục kim loại
Để đạt được năng suất cắt và chất lượng bề mặt gia công khi đục, người ta có hai vấn đề phải làm:
+ Mài sắc lưỡi đục
Không như trong gia công máy: Thông số cắt của các dụng cụ được xác định khi mài lưỡi cắt. Trong gia công nguội người ta chỉ có một thông số cắt duy nhất có thể xác định khi mài sắc lưỡi cắt là góc sắc. Tùy theo đặc tính của bề mặt gia công mà người ta có thể mài một mặt bên hoặc hai mặt bên của lưỡi đục, góc sắc còn lại của lưỡi đục phụ thuộc vào vật liệu gia công và chế độ gia công:
- Khi gia công tinh mõng hoặc gia công vật liệu mềm người ta mài lưỡi đục có góc sắc nhỏ lại ( mõng mép hơn).
- Khi gia công thô hoặc gia công vật liệu cứng người ta mài lưỡi đục có góc sắc lớn ( dày mép hơn).
* Thao tác mài lưỡi đục trên máy mài hai đá: (Hình 4-5)
. Tay thuận cầm thân dưới của đục bằng ngón tay cái và ba ngón kế tiếp, ngón tay út chặn lấy chuôi đục.
. Tay nghịch cầm đỡ phần thân trên của đục có hai nhiệm vụ là: tì lưỡi đục vào đá
và điều chỉnh góc sắc khi mài.
. Lưỡi đục được đặt ngược từ phía dưới lên, không được đặt suôi từ trên xuống hoặc mài bằng mặt đầu của đá để tránh vỡ đá gây tai nạn.
Hình 4- 5. Thao tác mài lưỡi đục và kiểm tra góc sắc của lưỡi đục.
+ Độ nghiêng của lưỡi đục khi gia công
Để gia công bề mặt bằng phương pháp đục mà tốn sức ít nhất ta cần phải đặt đục có độ nghiêng so với bề mặt gia công. (Hình 4-6)
Độ nghiêng của lưỡi đục quá lớn thì trong quá trình đục nén nhiều hơn cắt, lực đục cần lớn, tốn sức nhiều.
Độ nghiêng của lưỡi đục quá bé thì lưỡi đục dễ bị trượt trên bề mặt gia công ( do phoi bị biến dạng), mất nhiều thời gian và dễ gây tai nạn.
Người ta thường đặt đục có độ nghiêng khoảng 35 – 45o.
Hình 4-6 . Độ nghiêng của lưỡi đục khi gia công.